Hôm nay, 20/04/2024

Trang chủ   l  Gửi bài   l  Hướng dẫn  

Tìm kiếm

Trang chủ

Giới thiệu

Thành viên CLB

Tác phẩm

Trao đổi

Bếp núc văn chương

Chuyện bên lề

Người truy cập thứ :
490291

 
 

 

Thơ Đỗ Quí Bông trong mắt giới Văn học

 

     *  Đỗ Quý Bông: Sinh ngày 3/ 7/ 1947 tại quê: xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

     *  Từ năm 1965- 1977: Tại ngũ ở Quân chủng Phòng không- Không quân.

     *  Sau năm 1977: Chuyển ngành làm phóng viên Đài Phát thanh tỉnh Vĩnh Phú (cũ), ĐTNVN rồi phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam hiện nay.

     * Tốt nghiệp Trường Đại học Viết văn Nguyễn Du- Hà Nội, Khóa III (1986- 1989).

     * Đã tu nghiệp tại Trường Nghệ thuật Quân đội.

 

     *  Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

     *  Hội Viên Hội Nhà báo Việt Nam

     *  Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội

     *  Hội viên Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ)

Tác phẩm thơ in riêng:

     *  Gửi sông Thao- NXB Văn học năm 2000

     * Tự khúc tháng Tư- NXB Hội Nhà văn- 2001

     * Ru ngoài vành nôi- NXB Hội Nhà văn- 2005

     * Đấu giá bốn mùa- NXB Văn học- 2009

      Và thơ đăng trong nhiều tuyển tập thơ.

 
Thơ Đỗ Quí Bông trong mắt giới văn học

 

*  Nhà phê bình văn học- Tiến sĩ Vũ Nho trong cuốn "Đi giữa miền thơ" của ông (NXB Hội Nhà văn- 2006) bài: "Góc Trung du động mây gần gió xa" (đọc tập thơ Gửi sông Thao và Tự khúc tháng tư của Đỗ Quý Bông) ông viết:

     "Tình quê cọ là mối tình sâu đằm trong cảm xúc của tác giả. Anh hồn nhiên bày tỏ: Bước quê kiểng động mây gần gió xa (Xem tranh Đông Hồ "Đám cưới chuột"). Ta hiểu vì sao những câu thơ hay của Đỗ Quý Bông thường là những câu anh viết về quê hương, về những kỷ niệm thân thương gắn bó: những Đền Giếng, Bến Then, Sông Thao một phía... những Ruộng xuân, Trám đen, Muống bè... những câu thơ thật giản dị mà ám ảnh: Cây mía ngọt cắm sào trên bãi/ Hoa cải vàng soi lối xuống đò ngang (Sóng) hoặc Mùa mùa hoa quả hai nhà cùng thơm/ Em đãi gạo tôi phơi rơm/ Lửa reo bên ấy chín cơm bên này (Góc kề Nguyễn Bính)... Ngoài mảng thơ về quê hương, Đỗ Quý Bông còn viết khá nhiều về những miền quê, nhất là những chiêm nghiệm về cuộc đời và tác phẩm của các tác giả cổ điển. Phải có một sự cảm thông đến tận độ, một sự xúc cảm dồi dào, và nhất là bắt gặp được những nét riêng đồng thanh đồng khí thì mới mong có được những câu thơ có khả năng neo vào trí nhớ bạn đọc.Tác giả đã đạt được điều đó Trước nàng Vọng Phu: Phút này tóc trắng lặn vào đá xanh/ Chiến tranh- chiến tranh- chiến tranh/ Người lính- người lính- người thàng nước non/ Mồ hôi trong đá vẫn còn..." .

     *  Nhà thơ Ngô Văn phú trong bài: Thơ Đỗ Quý Bông- Giới thiệu tập thơ Tự khúc tháng tư, năm 2001, ông viết:

     "Thơ Đỗ Quý Bông, tứ hay, câu hay thường bất ngờ gặp ở các bài anh đã viết, nhưng trong Tự khúc tháng tư, có hai bài thơ quả là kỳ tứ (bài Không đề và Thêm). Tứ lạ ở những bài này phải tìm mới thấy được cái hay ẩn náu sau những câu chữ. Bài Thêm: Người thêm dăm bẩy mùa hoa/ Người thêm mảnh đất, căn nhà tầng cao? Người thêm ngách kẻ ra vào/ Người thêm thuyền bến cắm sào đợi trông/ Người thêm cơn Bắc cơn Đông/ Người thêm cả những mình không thấy mình/ Tôi thêm lần nữa trắng tinh/ Tay vôi quét tắp đội hình nghĩa trang. Viết về đồng đội hy sinh, về những liệt sĩ, tưởng khó có bài thơ nào có được những tứ sâu sắc, cảm động như thế"...

     *  Nhà thơ Trần Quốc Thực- Trong bài: "Đọc Ru ngoài vành nôi của Đỗ Quý Bông"- báo Thơ- Hội Nhà văn Việt Nam, số 26/ 12/ 2005, viết:

     "Tôi hơi sửng sốt trước lối thơ lục bát của Đỗ Quý Bông: Thế là trời đã sang thu/ Và tôi lại được trùng tu lá vàng (khi đăng ở báo Tiền phong, nhà thơ Trúc Thông đã khen câu này ở tạp chí Tác phẩm mới tháng 10/ 1999). Và đây nữa: Chiều nay bầu bí bốc thăm/ Một nên đũa ngọc, hai nằm đâu đâu/ Ca dao thì chẳng bạc đầu/ Hồn chiều sao lại đấu thầu tóc tôi? (Thơ tình cho ca dao). Đặt sự muôn thuở tươi xanh bên cạnh thời khắc chốc lát kiếp người- tứ thơ thật oái oăm và cũng đầy ngậm ngùi câm nín. Mặt khác, những cụm từ bên ngành kinh tế: bốc thăm, trùng tu, đấu thầu được tác giả đưa vào lục bát một cách thật thú vị. Nó giúp tác giả giấu đi được những rơm rớm của đắng cay, nước mắt. Nó cũng bộc lộ khả năng thuần thục của tác giả với thể loại thơ truyền thống này...".

     *  Nhà thơ- Nhà phê bình văn học Trịnh Thanh Sơn trong bài: "Đỗ Quý Bông- Thân trúc đâu nhờ vào gió mới duyên"- Báo Văn nghệ trẻ số 14 (488) ngày 2/ 4/ 2006, viết:

     "Tôi đã đọc hai tập thơ Gửi sông Thao và Tự khúc tháng tư  của Đỗ Quý Bông, chợt nhận thấy một cảm mến lặng lẽ, một thân gần như được gặp lại một người bạn cũ giản dị trong màu nâu quê kiểng, vừa thâm trầm, vừa hóm hỉnh, đậm đà chất ca dao, chất phôn-clo, nhưng vẫn ánh lên chất trí tuệ, hiện đại và sắc sảo. Bài Bồng lai riêng anh viết tặng nhà thơ lục bát Nguyễn Duy vừa đọc đã nhận ra chính chân dung anh: Ngang mày chén rượu tay nâng chúc/ Chưa uống đà say nghĩa vợ chồng/ Rồi mai em cuốc, anh cày vỡ/ Vũ trụ gieo mình xuống như không. Và đây nữa, phía khuất chìm của chân dung anh, vừa tài hoa, vừa sâu lắng:Có mùa hè đang đi trước tôi/ Tôi không vội sao mùa hè lại vội?/ Có mùa hè đang sánh vai tôi/ Tôi vui sướng sao mùa hè lại khóc?/ Có mùa hè đang lùi lại sau tôi/ Tôi đứng đợi sao mùa hè ngơ ngác? Những câu thơ ấy, người nông nổi không viết được!".

     *  Nhà văn Lã Thanh Tùng trong bài: "Vừa ru vừa niệm"- Đọc tập thơ Ru ngoài vành nôi của Đỗ Quý Bông, báo Văn nghệ số 38 ngày 23/ 9/ 2006, viết:

     " Tôi muốn dừng ở một bài có cái tên giản dị của anh để thử tính đếm một điều khuất chìm, bài Thơ, chỉ với mấy cặp lục bát: Cái vầng trăng khuyết, trăng tròn/ Em mang đi mất lại còn trong anh/ Cái mùa hoa bưởi, hoa chanh/ Vườn anh không có vẫn dành phần em/ Cái màu mực quánh mây đen/ Nét mờ nét tỏ ngấm men đêm dài. Vâng, đó là những lời bày tỏ nỗi niềm một cách đắng đót của một gã tình nhân nhiều tâm sự. Nhưng tôi lại muốn bạn lưu ý đến cái tên của bài, để sau phút cộng cảm chia sẻ với nhà thơ, ta lại cùng đi xa tiếp đến một lãnh địa như thể khái niệm định nghĩa bộ môn nghệ thuật chan chứa mà oái oăm này. Có thể cả ba cặp câu này đều nhằm diễn tả cái thế đơn phương đến độ chông chênh của tình người tình đời còn nhiều hẫng hụt? Cả thức nhận nữa chứ? Tất nhiên. thức nhận là cái hệ quả không thể tránh khỏi sau những hơn thiệt cõi người. Nhưng trong cái thức nhận đến độ "nhất bên trọng, nhất bên khinh" ấy, đã tuyên thệ luật đấu còn mất, như thể nốc ao thoán đài chưa, thì rõ ràng là chưa. Đấy là cái thiếu của thơ Việt nói chung, cứ dìu dặt du dương, tình cảm lai láng, mà chẳng bài bản rạch ròi, hay nói cách khác là thiếu tư tưởng, lý trí nhạt nhòa. Thật may là Đỗ Quý Bông còn cho chúng ta cặp lục bát thứ tư, cặp cuối cùng đậu/ trượt như "thi tốt nghiệp", như "cá hóa rồng": Cái đêm trăng hóa quan tài/ Tặng anh, thì chợt tiếng ai bảo: Đừng! Vậy đấy, là thi nhân thì phải biết đau, chưa cho được người thì chí ít cũng cho mình, dám nghĩ đến cái thất bát non lép của số phận. Nhưng kỳ lạ là khi thi sĩ tự chi ngộ đến thế, thì cuộc đời lại lập tức phán truyền "oái oăm luận" như thể nhà Phật bảo đấy là kiếp nạn, chớ hòng trốn tránh nếu còn vọng niết bàn. Tôi không tin nơi Đỗ Quý Bông tồn hữu một nhân sinh quan vãng thiền, nhưng tôi hiểu anh sở quản một dàn ăng-ten chưa bị xỉn mờ nên trong mỗi độ đường, mỗi sátna, vẫn còn vốn đối ứng để mặc cả, tác hợp..."." ./.
 
 Sau đây là một chùm thơ anh mới gửi
 

1-   Du lịch Côn Sơn

 

      Chẳng lo sương muối, gió lùa

Tôi đi trong tiếng lá khua xạc xào

      Một mình bước thấp bước cao

Theo đường hào kiệt lẽ nào chùn chân

      Côn Sơn thanh khiết vô ngần

Lá thông đặc sản rơi gần rơi xa

      Hoa mẫu đơn chẳng thướt tha

Tiêu dao từng đốm đỏ xa đỏ gần

      "Côn Sơn có đá tần vần"...(*)

Thơ như tiếng nợ phong trần- Ức Trai

      Côn Sơn thoáng một nét mai

Bên trong rớm máu, bên ngoài cười mơ

      Côn Sơn xạm mặt bàn cờ

Tiên xưa chắc hóa mẹ giờ bán khoai?

      Chõng tre siêu nước nguôi ngoai

Oan khiên người trước có ngoài người sau?

      Côn Sơn thắp một nét đau

Chưa siêu thoát được hai màu trắng đen

 

      Coi như nước đã đánh phèn

Chẳng lo bước mực, bước đèn, tôi đi.

 

---------------

(*) Thơ Nguyễn Trãi

 

2-   Lời người lái đò sông Thao

 

Giọng khé thuốc lào người kể nghệp đò đưa

chèo dọc, chèo ngang kiếm ăn ngày tháng

con cái, cửa nhà, mái chèo cáng đáng

bao giờ mái chèo ngã ngũ với dòng sông?

 

Lúc trẻ thẳng lưng, giờ còng lưng

cật lực chống chèo bão gió

phút buồm giong lúc không lúc có

bao giờ cánh buồm, ngọn gió ngã ngũ nhau?

 

Ngàn vạn chuyến đò chẳng nhớ trước sau

chuyến đưa đón dâu, chuyến hàng gà hàng vịt

chuyến nắng bóc da, chuyến trời tối mịt

bao giờ ngã ngũ khách với đò?...

 

Là nói thế thôi, chứ chẳng bao giờ

vì ngã ngũ sẽ không còn mới, cũ

nghiệp đưa đò cốt lòng mình ngã ngũ

dù trắng tay cũng không để đò chìm!

 
 

3-   Cúng cơm cho mẹ

 

 

      "Ba hồn chín vía mẹ ơi!

Về ăn cơm với con cháu, mẹ có nghe được lời con không?

      Nhà mình đây- đất tổ tông

Cơm canh đây- ngọc của đồng mẹ chăm..."

 

 

      Mẹ nghe được lời con chăng?

Mẹ ơi! Tám mươi bẩy năm- một Đời

      Trải bao vật đổi sao dời

Không chê không trách đất trời lở lay

      Vậy mà nhắm mắt xuôi tay

Mẹ chỉ có được trăm ngày cúng cơm!

      Xé lòng con cháu thảo thơm

Nuốt đau cắn cỏ, cắn rơm lạy trời

      Không giữ được mẹ ở đời

Mẹ đi, con hóa ra người trắng tay!

 

      Mẹ ơi!... Sẵn khói hương bay

Con khấn xin thế gian này rộng thêm...

 

 

Đỗ Quí Bông

Email: doquybongpt@yahoo.com

Điện thoại: 0912.016.791

 

Các tin, bài khác:

 

Bài mới

  Tiểu phẩm

  Thơ

  CHIẾU RIỆU THU

  Chùm thơ Võ Chí Trường

  CHÙM THƠ VÕ CHÍ TRƯỜNG

  CLB sinh hoạt đầu xuân

  Chùm thơ tháng 9&10.2018

  Chúc mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3

  Sự thành công trên cả mong đợi

  Chùm thơ T5+6.17

3M
hssv
Web gia đình
 

Designed by Web division, VDC1