Cảm bút về về một số bài thơ đoạt giải
Đầu tiên phải nói rằng những bài được giải không phải là đã hoàn thiện mà vẫn còn những khiếm khuyết nhất định. Ví dụ bài “Ơn thầy” vì nó có nội dung đúng với thứ tự ưu tiên lần này. Về hình thức biểu đạt nhẹ nhàng thanh thoát, về tình cảm chân thành, về nhạc điệu êm dịu, đọc một lần đã để lại ấn tượng cho người nghe nên tự nó có sức truyền cảm tốt. Song cần thay chữ “xa” bằng chữ “ra” thì chính xác hơn. Và nếu cắt bỏ hẳn khổ thơ cuối thì bài thơ còn “đắt” hơn rất nhiều. Vì ta chỉ cần kết bài bằng câu: “Nghĩa tình thầy vấn vương” là đủ lắm rồi!
Bài “Anh chỉ muốn” của Văn Tân đoạt giải Nhì bởi nó là một bài thơ tình khá hay. Những ước muốn của chàng trai thật chân tình nhiều tầng nấc. Chỉ có một tình yêu sâu sắc và đằm thắm thì người con trai mới dành nhiều ước muốn như thế cho người mình yêu. Cách lặp cụm từ Anh chỉ muốn nhiều lần một cách có chủ ý là một điều đáng ghi nhận của tác giả; trong thơ hoặc văn người ta tránh sự trùng lặp nhưng ở đây tác giả dùng điều “cấm kỵ” đó để nâng cung bậc tình yêu của mình thì đó là một
thành công đáng trân trọng. Và khổ kết thật dễ thương. Sau rất nhiều anh muốn … em thế này, thế nọ còn bây giờ là chính anh muốn bản thân anh “Đừng bao giờ nông nổi” để em phải khóc. Cách kết bài như thế thật hoàn hảo
“Khát khao” bài thơ của Mạnh Hùng đoạt giải Ba. Một bài thơ theo thể tự do, tình cảm cứ trào dâng như không bao giờ ngừng. Mạch thơ nói về đời sống sinh viên khá sinh động. Nhưng đặc biệt hơn anh luôn nghĩ về mẹ - người đã tần tảo nuôi anh ăn học suốt những năm tháng qua và đang luôn rõi theo từng bước đi của anh dưới mái trường Đại học. Anh hứa với mẹ rất nhiều, đặc biệt là hè này anh sẽ về bên mẹ: xây lại mái nhà tranh cho mẹ, xây lai cái bếp đã cũ nát của mẹ, xây lại cái bậc thềm cho mẹ và tất cả những điều đó anh quyết làm niềm an ủi của mẹ. Bài thơ không cầu kì, tình cảm chứa chan của một người con hiếu thảo.
Một bài thơ tình khác cũng đoạt giải Ba – “Viết cho một ngày mưa bất chợt” của Trần Như Hải lại có những đặc sắc riêng:
Cơn mưa nào vừa nghiêng xuống bờ vai
Anh không trách vì mưa làm ướt áo
Giọt nước mắt của trời hay nỗi buồn
Thẩn thơ tìm chốn dạo …
Tác giả đã nhân cách hóa coi cơn mưa cũng là em. Rồi anh lại dỗ dành cơn mưa: ngoan nào em và anh cứ rủ rỉ tâm sự với người yên của mình. Để:
Khi mưa đã đi qua vùng tóc rối
Giọt nước mắt nào … em bao lần giấu vội
Vỡ òa trên vai anh
Có thể nói đây là một bài thơ tình khá hay, làm ta đọc rồi lại phải đọc lại.
Một bài đoạt giải Ba khác là “Bàn tay của cô” của Bùi Thị Thùy Linh – D08QBA1. Một bài thơ cũng nói về tình thầy trò rất cảm động. Khổ cuối của bài thơ
Xôn xao âm thanh đất trời
Trên bàn tay cô đã dắt
Bàn tay lặng thầm dìu dắt
Cho em cả một bầu trời
Ý thì rất đạt, bàn tay cô dìu dắt cho em cả một bầu trời! Đã nói lên đầy đủ công ơn của các thầy cô giáo. Song gieo vần và dùng từ còn bị lặp chưa thật đạt. Khổ thơ này có thể sửa lại như sau:
Xôn xao âm thanh cuộc đời
Bàn tay lặng thầm dìu dắt
Cho em hành trang kiến thức
Cho em cả một bầu trời
Trong 4 giải khuyết khích gây ấn tượng nhất cho tôi là bài “Tháng Ba” của Nguyễn Thị Tuyết Nga sưu tầm. Bài thơ thật phóng khoáng! Phải những người sống ở mảnh đất này mới cảm nhận được những điều tinh tế như thế: Có cái gì ầm ĩ ! Mùa này là mùa khô của Sài Gòn, Bầu trời cao vời vợi nên làn gió cũng xanh. Một cách dùng từ táo bạo khi cho gió có màu. Cái mầu ấy hình nư có thật vì bầu trời xanh thẳm thì làn gió ắt cũng xanh. Sự ước ao của tác giả cũng mãnh liệt làm sao! Người thơ muốn thành ngọn cỏ để uống nắng chan hòa. Hình như ngọn cỏ ấy uống no ánh mặt trời lớn lên thành một cánh diều no gió lại là giữa một khoảng không bao la! Rồi người thơ còn muốn ôm cả tháng Ba thì thật là táo tợn. Tháng Ba dài rộng như thế, vòng tay của người thơ có ôm nổi không? Thế mà người thơ vẫn dám làm điều đó! Rồi còn mãnh liệt hơn là đón mùa hè rực lửa. Bài thơ gieo vào lòng độc giả khát vọng cháy bỏng của tuổi trẻ.
Trong tiêu chí cuộc thi thơ có đề cập đến các bạn có thể tự sáng tác hoặc sưu tầm của các tác giả khác - với tiêu chí này khuyến khích năng lực thẩm thơ của sinh viên. Vì vậy bài “Tháng Ba” của Tuyết Nga sưu tầm xứng đáng nhận giải khuyến khích.
Vì thời gian có hạn tôi không tiếp tục “bình” nữa dù có khá nhiều bài tốt đáng phân tích để nâng cao trình độ thưởng thức thơ của chúng ta.
TP. HCM, 26/03/2009
PGS.TS Phạm Đạo
Chủ nhiệm CLB văn thơ Bưu điện VN