Một biểu tượng thơ về ngành Bưu điện
Hòm thư đầu làng
Ngô Văn Phú
Cột tre treo hòm thư sơn xanh
Ngày, lần mở để nguyên tại chỗ
Có trẻ con gửi thơ cho bố
Nên hòm thư để thấp hơn thường
Trong làng nhiều người ở chiến trường
Thư vợ gửi chồng nhiều hơn cả!
Nóc hòm thư trắng hoa bưởi
Ấy là làng đang tháng giêng, hai
Khi đường thôn vàng óng rơm tươi
Phong thư đượm hương thơm của lúa
Đôi lúc thư làng tem chẳng có
Mà vẫn bay thẳng đến tiền phương
Người làng đánh giặc tít cực nam
Thư nhà đã hóa điều vô giá
Hòm thư đó, đêm ngày mưa nắng
Dãi dầu bạc cả nước sơn xanh
Bởi thương bởi nhớ người đi vắng
Tre nứa đơn sơ cũng có tình.
1973
Lời bình của Đỗ Quý Bông:
Trước mắt chúng ta là bài thơ Hòm thư đầu làng của nhà thơ Ngô Văn Phú. Không ghi năm 1973 chúng ta cũng dễ dàng nhận ra bài thơ được viết trong chiến tranh giữ nước bởi nó mang dấu ấn một thời.Đó là một chặng đường lịch sử hào hùng mà tổng lực của dân tộc Việt Nam nhân nghĩa đã chiến thắng bạo lực đầu sỏ là đế quốc Mỹ xâm lược. Có thể nói rằng chiếc hòm thư là một biểu tượng đặt giữa khoảng xa cách tiền tuyến- hậu phương để nối liền tình cảm, nối liền riêng- chung và kết liên sức mạnh. Hòm thư! Đời người ai chả có lần đứng trước nó, bồi hồi trông cậy vào nó đem đến cho người thân những dòng thư sâu kín nhất. Nó gần gũi bình thường như cây lúa cây ngô. Nó giản dị, chân thành như cách cảm, cách tả của tác giả:
Cột tre treo hòm thư sơn xanh
Ngày, lần mở để nguyên tại chỗ
"Nguyên tại chỗ" đấy nhưng thực chất là luôn luôn bận bịu, tất bật, đượm nghĩa đượm hồn qua câu chữ mộc mạc mà tinh tế: "Để thấp hơn thường" cho "trẻ con gửi thư cho bố" và "Trong làng nhiều người ở chiến trường/ Thư vợ gửi chồng nhiều hơn cả!".
Biểu tượng càng đẹp đẽ nên thơ hơn vì nó gắn bó từng phút từng giây với những đổi thay, trăn trở của làng. Tiết giêng, haì " nóc hòm thư trắng hoa bưởi", "đường thôn vàng óng rơm tươi" thì "phong thư đượm hương thơm của lúa". Dáng vóc bên ngoài thôi cũng bền bỉ và thấm mồ hôi nước mắt của làng trong cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Như một sự hóa thân, hòm thư hòa vào số phận của làng của nước, dẫu "đôi khi tem chẳng có" thư "vẫn bay thẳng đến tiền phương". Chữ "bay" ở đây đắc địa biết nhường nào trong hoàn cảnh chiến tranh! Và như thế "thư nhà đã hóa điều vô giá"! Để khắc họa biểu tượng đầy ấn tượng, khổ thơ đầu gồm sáu câu, "thần" của biểu tượng sáng dần, lớn dần, ung dung, bền chắc; ba khổ thơ tiếp mỗi khổ bốn câu nhịp nhàng kết thành "dây chuyền" không một phút một giờ ngưng nghỉ. Nhạc điệu ngân rung không bị o ép bởi vần mà thoải mái tự nhiên như tiếng thì thầm, kẽo kẹt của bờ tre êm đềm gió thổi. Tất cả để tập trung khẳng định ý chí kiên cường bất khuất của biểu tượng:
Hòm thư đó, ngày đêm mưa nắng
Dãi dầu bạc cả nước sơn xanh
và đến đây, độ chín của bài thơ đã lên màu đẹp nhất để tứ thơ bộc lộ chiều sâu thẳm:
Bởi thương bởi nhớ người đi vắng
Tre nứa đơn sơ cũng có tình
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biểu tượng thơ về Bưu điện này luôn tỏa sáng lung linh.
Đ.Q.B