Hôm nay, 02/05/2024

Trang chủ   l  Gửi bài   l  Hướng dẫn  

Tìm kiếm

Trang chủ

Giới thiệu

Thành viên CLB

Tác phẩm

Trao đổi

Bếp núc văn chương

Chuyện bên lề

Người truy cập thứ :
491910

 
 

 

Thơ Đào Vĩnh

                      Nhà thơ Đào Vĩnh  

QUANG KHẢI

 

ĐỌC "Ở GẦN NHỚ XA"

 

(Tập thơ của Đào Vĩnh

NXB Hội Nhà văn, 2012)

 

Đào Vĩnh không còn là cây bút trẻ, chỉ tính đếm riêng đầu sách thơ, anh cũng có tới 8 tập. Từ bài thơ đầu tay "Cần trục ADK" viết năm 1974 Đào Vĩnh đã có gần 40 năm cầm bút. Vốn là một kĩ sư xây dựng đeo đuổi cái nghề "xây cho nhà cao, cao mãi", đến khi rời khỏi chức trách quản lý mưa nắng công trường, thơ Đào Vĩnh cũng thưa dần lối kể, tả trực diện để hình thành một kiểu "lãng tử" sống và viết theo cảm xúc ngẫu hưng . Cứ hồn nhiên hình thành một giọng riêng, tạng riêng, để dần đạt tới một dấu ấn đậm nét.

Đến tập "Ở gần nhớ xa" này, tác giả dành riêng một phần "Phụ lục" gồm toàn những bài thơ viết thuở "nhập môn", tuy thô mộc mà hồn nhiên, trong trẻo, ân tình… ở cái tuổi mà người nào thành danh cũng cần phải chắt chiu, lưu giữ.

Còn bây giờ, vẫn những "Ngọn gió rủ rê" (ai rủ rê ai?) mà "nửa làng, nửa phố phân thân"? Vốn tính ham mê đi khắp nơi khắp chốn để lại trong thơ Đào Vĩnh rất nhiều địa danh, nhiều dấu ấn. Đang loanh quanh ở đất Vị Hoàng, Thành Nam, ở Quất Lâm, phố Cháy Ý Yên quê nhà đã thấy anh "vọt" lên Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang v.v… "Đang mùa hè khát khô Hà Nội/ Bỗng chuyến tàu đêm quảng tôi xuống Phú Yên" (Ở Tuy Hoà) để rồi sau đó sống hết mình với "Đi giữa Ban Mê"… Đến đâu cũng "ra" thơ, có nơi sáng tác đến 2-3 bài một lúc (Đại Lải, Sơn La).

Thơ Đào Vĩnh như bước kí hoạ, hoặc giống bức phác thảo với những nét chấm phá đôi khi vội vã, tươi mới, nửa hướng ngoại, nửa hướng nội, trực cảm, trực ngôn. Nhiều câu thơ cứ tưng tửng mà có sức gợi: "Rẽ đôi miền gió ướt đồng/ Sao đêm thảng thốt trong lòng bàn tay" (Năm 1993 ở Ninh Bình). Một phát hiện "Sông nơi này lạ lắm/ Sóng một mình vừa ngủ vừa dâng" (Đêm ở Cẩm Khê), một tâm trạng "Sông Bằng, sông Hiến gặp nhau/ Mình ta lẻ với sắc màu núi non" (Bên cầu Bằng Giang), một lối sống: "Biết tận cùng dâu bể/ Vẫn về đây lần tìm" (Quất Lâm). Hay một cách nói bất ngờ, thú vị: "Một ngày thu đúng nghĩa dịu êm/ Nắng chểnh mảng, mưa còn ham góc bể/ Cành cây sà, thấy người như muốn bế/ Mây che nhau khuất nẻo trốn tìm" (Dẫn mùa thu).

Vốn là người đa tình, lại đa mang, nhà thơ Đào Vĩnh cứ rủ rỉ tự vấn, tự ru mình, đôi khi không giấu nổi… Như trước cửa biển Tuy Hoà: "Đẹp là thế, sao thưa người xuống tắm/ Một nét chân thon cũng khó kiếm quá chừng", rồi đến cả một "sự liều": "Tối đưa về với mẹ cha/ Sáng anh lại đón em qua với chồng". Ngay cả chốn nghiêm trang "đi trẩy hội chùa Hương" cũng chỉ chăm chăm vào "ánh mắt": "Tôi lặng im lễ Phật/ Câu Nam mô vừa dứt/ Bàng hoàng em kề bên/ Mắt đen đa tình thế/ Xô liêu xiêu cửa Thiền" (Ánh mắt chùa Hương).

Thơ Đào Vĩnh vì thế luôn là sự phân thân, dùng dắng: "Nửa xa xăm, nửa lo toan sắp đặt", "Nửa đậu bàn tay, nửa phía xa mờ" (Em với Việt Trì), hoặc: "Nửa thiếu nữ, nửa trầm ngâm mệnh phụ"… Và vì thế, phải nhờ đến "Đồng ta cứu rỗi" để tự cân bằng, mà bài thơ "Lục bát tìm người" có lẽ là bài thơ khá trọn vẹn cả ý, tình với ngôn ngữ, hình ảnh dân dã nhiều gợi mở.

Ở phần II tập thơ, "Lang thang chán lại một mình một chỗ" nhà thơ được dịp ngẫm ngợi và triết luận (Vu vơ ngày dài, Lý luận, Huyễn hoặc, Tự do, Tự an…) tuy chưa cho người đọc những phát hiện, khám phá lý thú, bất ngờ thật độc đáo mà thường là cách khái quát "tự thưởng" trên "chiếu rượu" khuôn viên dân dã: "Cộng đồng sâu sắc mà hời hợt/ Không nên chia tỉ lệ làm gì/ Ngày của ngày, đêm của đêm/ Vỏ cây cũng, cần như lõi gỗ"… Rồi tự nhà thơ rút ra điều tâm đắc nhất: "Về hưu muốn đỡ buồn/ Chỉ làm thơ là tiện nhất/ Viết chưa hay nhưng dễ vận vần (!) (Lý luận).

Thơ Đào Vĩnh còn mảng khá đậm viết về Di ảnh mẹ, về vợ con, các cháu, về quê kiểng nội ngoại với giọng thơ bộc bạch chân thành, quen thuộc, phác hoạ tỷ mẩn và sống động chân dung người thân, đó là hồn cốt của tác giả. Vẻ ngoài "lênh phênh", lãng du thế nhưng vẫn là con người sống có trách nhiệm, chu đáo. Hết loay hoay ghi chép về dòng tộc mình thành ấn phẩm "hoành tráng để đời cho con cháu mình" (Tập ghi chép gia đình có tên "Năm tháng xa gần" NXB Văn học 2012), đến mỗi khi tết về, đêm trừ tịch lại lọ mọ đi trông nhà cho con gái ngược quê chồng ăn tết. Một mình một nhà, một mâm bát: "Rượu cắm tăm mình bố" và nhà thơ chợt ngộ ra: "Thức dậy đã năm mới/ Sao vẫn lắm cũ càng/ Mọi thứ đều dòng chảy/ Bố một mình trôi ngang" (Một mình) - rất Đào Vĩnh…

 

Hà Nội 01/2013

QK

   

Các tin, bài khác:

 

Bài mới

  Tiểu phẩm

  Thơ

  CHIẾU RIỆU THU

  Chùm thơ Võ Chí Trường

  CHÙM THƠ VÕ CHÍ TRƯỜNG

  CLB sinh hoạt đầu xuân

  Chùm thơ tháng 9&10.2018

  Chúc mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3

  Sự thành công trên cả mong đợi

  Chùm thơ T5+6.17

3M
hssv
Web gia đình
 

Designed by Web division, VDC1