Hôm nay, 27/04/2024

Trang chủ   l  Gửi bài   l  Hướng dẫn  

Tìm kiếm

Trang chủ

Giới thiệu

Thành viên CLB

Tác phẩm

Trao đổi

Bếp núc văn chương

Chuyện bên lề

Người truy cập thứ :
491826

 
 

 

HỎI CÒN ĐỌNG LẠI NHỮNG GÌ TRONG TA

HỎI CÒN ĐỌNG LẠI NHỮNG GÌ TRONG TA

Sáng kiến mừng sinh nhật cho hội viên vào mỗi kỳ sinh hoạt là một nét văn hóa độc đáo riêng của câu lạc bộ văn thơ Bưu Điện. Chỉ một bông hoa hồng nhưng thắm đượm một tình cảm nồng hậu vô cùng cao quý. Năm nay tôi lại được mừng ngày sinh nhật thứ 95, là năm hạnh phúc nhất của đời tôi. Con số 95 là đỉnh cao như giấc mơ mà thời gian trước đây tôi chưa hề nghĩ đến.

Năm nay cũng là năm vinh dự nhất đời tôi với 70 năm tuổi Đảng, được Thành ủy Hà Nội, Quận ủy Cầu Giấy, Đảng ủy phường Nghĩa Tân, Chi bộ Khu dân cư và tổ dân phố đến tận gia đình tổ chức lễ trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng một cách trọng thể với những lời biểu dương, cổ vũ đượm nồng.

Với tuổi 95 tôi vẫn đầy lạc quan, nghị lực, ước mơ và hy vọng vươn tới và vượt con số 100. Tôi không biết còn đến câu lạc bộ được bao nhiêu lần nữa, vì thế hôm nay là thời điểm tôi cần nói những gì đọng lại trong tôi. Nói chung là nghĩa tình, là những hình ảnh thân thương, những kỷ niệm khắc sâu trong tâm khảm.

Nhìn nhau tay nắm chặt tay

Long lanh ánh mắt nói thay cho lời

Vườn thơ rực rỡ sáng ngời

Âm thanh màu sắc nụ cười thanh tao

Thơ là niềm rung cảm. Thơ còn là một điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu để cùng chia sẻ một khúc tâm tình, một cụm từ, một câu thơ, bài thơ, chắp cánh cho nhau bay xa hơn trên bầu trời sáng tác.

Tao đàn chẳng quản tuổi cao

Tâm hồn bay bổng dạt dào mộng mơ

Từ bao giờ đến bây giờ

Vấn vương tình bạn tình thơ khôn lường

1. Trước tiên, tôi muốn nói đến anh PHẠM ĐẠO chủ nhiệm câu lạc bộ Văn thơ Bưu Điện. Khi tôi đến nhà anh gửi ba bài thơ để được xem xét là hội viên anh tiếp tôi bằng một nụ cười và những lời nhỏ nhẹ đượm nét thân tình và sau đó tôi được biết anh không những là một nhà thơ mà còn là một nhạc sĩ. Rung động của âm thanh trong nhạc hòa quyện với rung động của ngôn từ trong thơ đã tạo cho anh gần bốn mươi bài thơ tình được phổ nhạc thu vào đĩa với những vần thơ mộng mơ và giai điệu bổng trầm. Anh có nhiều tác phẩm kể cả thơ, truyện ngắn, tiểu luận và bình thơ.

Bài thơ cho một người đầy nghịch lý mà tôi đã bình năm 2003 được nhiều bạn thơ đồng cảm.

Anh đã trực tiếp tuyển chọn và biên soạn bảy tập thơ in chung trước 2009 chu đáo, có chất lượng, anh luôn say sưa với công việc câu lạc bộ kể cả sau khi phải phẫu thuật cắt gan đặc biệt nguy kịch tưởng khó vượt qua(2012).

Anh có phong cách riêng trong việc nhận xét (bình thơ) tác phẩm của nhiều hội viên, trong đó có tôi và phu nhân Phạm Thị Sâm. Nổi lên ở anh là đi sâu vào tâm tư tình cảm của tác giả để biết tác giả sống và gắn bó với thơ như thế nào.

Hai tác phẩm Giai điệu tháng 5, Sông Lam thao thức được anh nhận xét qua bài “bình” của anh. Anh đã tìm hiểu sâu nguồn đề tài và cách khai thác đề tài của tác giả. Anh đã bắt được mạch thơ của tác giả qua từng phần bố cục, qua từng bài để sâu sắc cảm thông. Hai bài viết giới thiệu tác phẩm có minh họa được nhiều người đồng cảm. Có những bạn thơ hỏi chúng tôi “Sao anh Phạm Đạo hiểu sâu thơ và đời của anh chị đến thế?”.

2. CHỊ TRẦN THU HIỀN phó chủ nhiệm thường trực câu lạc bộ, với dáng mảnh mai, sức khỏe có hạn nhưng tinh thần trách nhiệm cao, luôn năng động, bao quát công việc để thực hiện nhiệm vụ chu đáo, đưa dần sinh hoạt câu lạc bộ vào nề nếp. Chị rất chân thành, luôn tôn trọng và gần gũi hội viên, dám nói, dám chịu trách nhiệm, chủ động trong việc giao lưu với anh chị em cũng như với các câu lạc bộ bạn, luôn giữ được mối quan hệ tốt đẹp. Về văn thơ, chị viết văn xuôi tốt, viết những bài thơ lục bát mượt mà sâu lắng cả về ngôn từ và âm điệu. Chị sáng tác thành thạo thơ mới tám từ và bốn từ bảo đảm cả thanh và vần điệu rất thành công. Chị còn sử dụng cả thơ năm và bốn từ khi cần thiết. Khi khai thác đề tài, sau khi đã có ý và tứ thơ, chị viết rất suôn sẻ và thoải mái. Chị hay trăn trở trong việc dùng từ, viết xong một bài thơ, sửa đi sửa lại rồi mà vẫn còn băn khoăn. Phong cách đó sẽ tạo đà cho chị tiến xa hơn trên con đường sáng tác.

Ngoài Miền ký ức đã được anh Đỗ Quý Bông giới thiệu, chị luôn sáng tác sau những sự kiện quan trọng hay sau các chuyến tham quan thú vị. Chị hiểu thấu thơ và đời chúng tôi như trong cùng một gia đình và đã ưu ái viết tặng bài Đời và Thơ đậm đà tình thơ và tình bạn, với lời văn lưu loát và giọng điệu thân thương. Hơn thế nữa chị còn dành một buổi sinh hoạt để anh chị em trong câu lạc bộ phát biểu về thơ của chúng tôi. Thật là ưu ái. Các anh chị đã giàu nhiệt tình và có những lời động viên và cổ vũ.

3. ANH ĐỖ QUÝ BÔNG

Năm 2002 lần đầu tiên tôi đến câu lạc bộ đọc bài Hương xuân ra mắt, tôi rất mừng được anh Phạm Đạo và anh Đỗ Quý Bông tâm đắc. Sau đó bài thơ được đăng trên báo Bưu Điện số chuyên đề Người Bưu Điện viết văn, làm thơ, số 6 tháng 1-2003. Cầm tờ báo anh Bông rỉ tai tôi “Bài thơ của bác nói lên một định nghĩa thơ là niềm rung cảm vô ngần và xác định mối quan hệ khá logic giữa mùa xuân thơ và tuổi già”.

Bài thơ đó tôi đã dịch sang thơ tiếng Pháp và tiếng Anh đã được đăng trên báo Le courrier du Việt Nam của Thông tấn xã Việt Nam xuất bản sang các nước Tây Âu cùng một số bài khác.

Năm 2003 câu lạc bộ đã phối hợp Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam tổ chức một buổi thơ có nhà thơ Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, một số khách mời và hội viên đến dự. Anh Phạm Đạo chọn bài thơ Thăm Huế để tôi ngâm. Anh Đỗ Quý Bông nỏi nhỏ với tôi: “Cũng là một đề tài Huế mộng mơ nhưng viết về Huế, các nhà thơ khác thường nói về sông Hương, núi Ngự, lăng tẩm, chùa chiền và các cung điện nguy nga. Bác chỉ viết về dàn nhạc cung đình ngâm nga thắm đượm, điệu hò trong sáng trên sông Hương và cô gái Huế trầm tư duyên dáng đầy hấp dẫn”.

Ngày 15-3-2003, buổi thơ nói trên được phát triển VTV1 đài truyền hình Việt Nam. Nhìn thấy dáng điệu và nghe giọng ngâm của bản thân tôi rất phấn khởi và vô cùng cám ơn hai anh đã khéo tác động đến tôi để lại cho tôi một ấn tượng tốt đẹp.

Năm 2009 anh Đỗ Quý Bông là phó chủ nhiệm biên soạn Người Bưu Điện làm thơ tập 3 cùng với hai anh Bá Vi Tuân và Phùng Thanh Lịch. Sau khi tập thơ được xuất bản, anh đã chọn 5 bài đưa ra bình trong đó có bài Đêm chia tay của tôi là bài thứ nhất được bình trong buổi sinh hoạt đầu tháng 9-2009. Sang tháng 10-2009 chuẩn bị giao lưu tại Đồ Sơn, anh cũng chọn bài thơ đó của tôi được chị Thúy Liễu ngâm mở đầu.

Về Hà Nội tôi gọi điện thoại hỏi anh: “Tại sao anh ưu ái tôi đến thế”, anh vui vẻ giải thích: “Bác yên tâm đi, bài Đêm chia tay vừa trữ tình vừa là tiếng vang của Nguyễn Văn Thạc đã dũng cảm hy sinh ở tuổi 20”.

Bài thứ hai anh chọn là Bốn mươi lần hiến máu, bài này tôi không đăng ký nhưng anh giải thích “Bài thơ này nói lên một thông điệp mang tính nhân văn:

Tình đồng loại mênh mông như biển cả

Ta thương người và người lại thương ta

Giọt máu đào như một bản tình ca

Bốn tám tuổi tấm gương trong chiếu sáng”.

Anh còn chọn hai bài khác là Giai điệu tháng 5Cho tiếng mãi ngân nga. Tác phẩm Người Bưu Điện làm thơ tập 3 mà anh chủ biên sau khi xuất bản đã được anh trình bày và xin ý kiến hội Nhà văn Việt Nam được các anh đánh giá tốt bài của năm tác giả. Anh đã tường thuật cụ thể việc đó với chúng tôi một buổi sáng đầu xuân tháng 2 năm 2010 trên thuyền du lịch Hồ Tây. Niềm vui đó do biệt tài thẩm định và tuyển chọn của anh. Tôi cũng là một trong năm tác giả đó. Anh Đỗ Quý Bông đã học ba năm tại trường viết văn Nguyễn Du, sau đó anh nhận công tác tại báo Bưu Điện, anh đã có sáu tác phẩm xuất bản. Thơ anh có một phong cách và giọng điệu riêng với ngôn ngữ văn học tinh luyện như nhà văn hào Macxim Gorki đã nói. Anh rất khiêm tốn và giản dị. Anh sớm ra đi để lại tiếc thương và tổn thất cho câu lạc bộ. Tôi luôn nhớ bóng hình anh, nhớ cả lời và giọng nói của anh.

4. Anh LƯU TRÍ DŨNG, năm 2002 đã ân cần đến nhà tôi thăm hỏi, thời gian tôi bị ốm dài ngày. Năm 2003 anh đến thăm tôi cùng một người bạn, anh tươi cười tặng tôi một tấm mành trúc trên đó anh đã viết bài thơ Tập đi của tôi, chữ viết độc đáo của anh rất đẹp. Từ đó, tôi gọi anh là ông Đồ cho chữ. Thật vậy đã có lần vào tết Nguyên tiêu tại Ki ốt triển lãm của câu lạc bộ văn thơ Bưu Điện anh đã cho chữ với nhiều khách tham quan. Anh làm cho tôi nhớ đến ông đồ cho chữ trong thơ Vũ Đình Liên. Chỉ khác ở chỗ ông đồ trên mặc áo the đen dài, quần trắng, đầu đội khăn đóng và ít nói cười, còn anh bảnh bao với bộ com lê màu xám nhạt, sơ mi trắng cà vát đỏ, nói cười, khôi hài không biết mỏi.

5. Anh VĂN BANG phụ trách sinh hoạt cùng chị Thu Hiền chịu trách nhiệm mừng sinh nhật các hội viên rất chu đáo. Kỳ sinh hoạt nào ban chủ nhiệm và anh cũng ưu ái tặng tôi và phu nhân hai bông hồng tươi thắm. Anh có hai tác phẩm xuất bản với những dòng lục bát mượt mà. Anh còn là thầy dạy hát quan họ cho nhiều người.

Ngoài niềm vui nói trên tôi còn có niềm phấn chấn khi bài thơ Người sống mãi của tôi về cố đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong một trăm linh ba bài được chọn. Ban tuyển chọn do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là chủ biên cùng với các nhà thơ Phạm Xuân Nguyên, Hồng Thanh Quang và Lê Thống Nhất.

Ngoài ban chủ nhiệm, trong câu lạc bộ tôi còn có ấn tượng rất tốt đẹp với các bạn thơ. Nhiều bạn thơ còn sinh hoạt với các câu lạc bộ khác trong đó có những bạn đồng thời là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, tư vấn và biên tập. Trong câu lạc bộ ngoài tác phẩm in chung còn có những tác phẩm xuất bản riêng kể cả thơ, văn xuôi và nhạc đáng trân trọng. Tác giả Phạm Hồng Vũ sáng tác cả năm thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký, hồi ức và thơ.

Hai tác giả sáng tác cả nhạc và thơ là bạn Lê Tiến Hoành và Hoàng Thanh Chung. Tại các buổi sinh hoạt, tiếng đọc thơ, ngâm thơ, điệu nhạc đan xen nhau ngân vang rộn ràng tạo nên một hứng thú lạ thường. Giọng ngâm của hai chị Bích Hợp, Phương Na cùng vài chị khác vẫn còn văng vẳng.

Hai năm qua có ba hội viên là Phan Tất Vĩnh, Hoàng Lan và Bá Vi Tuân đã là hội viên nhà văn Hà Nội.

Chị HOÀNG LAN đã có mười tập thơ và một tập Truyện ký Vị ngọt tình yêu vừa mới xuất bản. Chị đang miệt mài lao động nghệ thuật ngày đêm, say sưa với những con chữ. Trong tác phẩm đó có bài Nét đẹp người phụ nữ Việt Nam tặng phu nhân tôi Phạm Thị Sâm, chị có nói về tôi: “Tôi quen biết chị vì cả anh và chị cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ văn thơ Bưu Điện. Anh là Phan Thế Triết sinh năm 1921. Anh Triết làm thơ và bình thơ rất hay”. Tôi xin chân thành cám ơn lời động viên thân tình của chị.

Tôi xin cám ơn các anh Thái Văn Ngoạn, Trần Anh Chương, Nguyễn Phượng Thúy và chị Lê Chín đã có bài văn và thơ hồi âm về tác phẩm của tôi. Tôi cũng xin cám ơn chị Hà Nga chị Minh Tâm, anh Đinh Văn Hương, Lê Văn Kỷ về những lời đồng cảm.

Tôi cũng rất cảm kích khi hai anh Phạm Văn Thiệp và Phạm Hồng Vũ đến thăm tặng tác phẩm thơ và tiểu thuyết, lại có dịp cùng nhau uống cạn chén trà, nói chuyện về thơ văn đầy thi vị.

Thưa Ban chủ nhiệm và các anh chị, trên đây là những gì tôi muốn nói hôm nay.

Trong câu lạc bộ có gì tồn tại chưa tốt, chưa hay, chưa đẹp đó là điều tất yếu. Ban chủ nhiệm cùng các hội viên cần sớm khắc phục. Một lần nữa tôi xin cám ơn Ban chủ nhiệm và các bạn thơ.

Xin chúc các anh các chị sức khỏe, đầy niềm vui và hạnh phúc.

 

Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 2016

Phan Thế Triết

Các tin, bài khác:

 

Bài mới

  Tiểu phẩm

  Thơ

  CHIẾU RIỆU THU

  Chùm thơ Võ Chí Trường

  CHÙM THƠ VÕ CHÍ TRƯỜNG

  CLB sinh hoạt đầu xuân

  Chùm thơ tháng 9&10.2018

  Chúc mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3

  Sự thành công trên cả mong đợi

  Chùm thơ T5+6.17

3M
hssv
Web gia đình
 

Designed by Web division, VDC1