Hôm nay, 26/04/2024

Trang chủ   l  Gửi bài   l  Hướng dẫn  

Tìm kiếm

Trang chủ

Giới thiệu

Thành viên CLB

Tác phẩm

Trao đổi

Bếp núc văn chương

Chuyện bên lề

Người truy cập thứ :
490739

 
 

 

Cuốn văn thơ "Nghĩa tình còn mãi" đã được xuất bản. Xin giới thiệu bài "Những hạt bụi vàng" của Pha Lê để bạn đọc thấy được chất lượng thơ của CLB

NHỮNG HẠT BỤI VÀNG

Trong quá trình tuyển chọn phần thơ cho cuốn sách này (Nghĩa tình còn mãi) Ban biên soạn chúng tôi đã làm việc một cách rất nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao. Chúng tôi đã chọn được những bài thơ có chất lượng, những đoạn thơ hay và đặcc biệt là có những câu “xuất thần”. Chúng tôi coi những đoạn thơ ấy, nhất là những câu thơ ấy như những hạt bụi vàng đã lóe lên trong vườn thơ của chúng ta, làm chúng tôi thấy rất phấn khởi và tự hào về Câu lạc bộ chúng ta. Sau đây là những cảm nhận của tôi về những hạt bụi vàng đó

Văn Bang

      Mẹ là đóm mạ gầy khô

Hoá thân đời mẹ thành mo cơm đầy

                           (Mo cơm của mẹ)

Câu một mô tả được dáng vóc điển hình của một bà mẹ nông thôn làm ăn vất vả “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Còn câu hai tác giả đã khái quát vai trò của người mẹ được ví như một mo cơm,vừa giản đị mà lại mang tính hiện thực rất cao!

 

Đỗ Quý Bông

       Dốc chếnh choáng gió ngang đồi        Bố vấp bóng bố kết đôi lưng chiều

                                  (Ru ngoài vành nôi)

       Hai câu thơ thăng hoa của Đỗ Quý Bông, anh liên tưởng dốc núi như người say, vì chỉ có khi say người ta mới bước chếnh choáng. Còn câu hai là một hình tượng chỉ trong thơ mới có, đã gây cho ta một ấn tượng rất sâu, một hình ảnh rất đẹp, rất thơ mộng!

 

Lê Chín

Trám om cạnh bát canh bầu

Chồng chan, vợ húp, nhìn nhau … mỉm cười

                                      (Biết nói sao)

       Chị đã cho ta một cặp ca dao mới dựa vào gần như nguyên mẫu một câu ca dao nổi tiếng cũ Canh tôm nấu với ruột bầu / Chồng chan vợ húp lầu bầu khen ngon nói về tình yêu, sự hạnh phúc của đôi vợ chồng. Phải chăng đây cũng là một sự sáng tạo đáng biểu dương!

 

Phạm Khắc Chư

Cong cong cầu Thê Húc

Gánh nặng tình nước non

             (Hoàn Kiếm thu)

        Hai câu thơ này của tác giả Phạm Khắc Chư có ý tưởng, cầu Thê Húc dáng uốn cong vì gánh nặng tình non nước – đó là một sự hoán dụ được chấp nhận!

 

Lê Minh Dung

         Lê Minh Dung đã tạo được cho mình một giọng thơ riêng. Anh đã góp vào tập thơ văn này ba bài, tôi thích nhất bài đầu “Chơi vơi” gồm 5 cặp lục bát mà cặp nào cũng hình tượng đi vào lòng bạn đọc:

         Là em trong vắt một thời / Hái hoa bắt bướm tặng tôi bên rào / Mồng tơi mực

tím khát khao / Cánh chuồn chuồn đỏ vẽ vào trời xanh / Trăng non tối ấy / chòng chành / Nép vào hoa bưởi hoa chanh. vậy mà…/ Vậy mà em, vậy mà ta / Nào ai đã dám nói ra...để rồi.../ Tóc đuôi gà buộc hồn tôi / Trò chơi tìm trốn, giờ đời lạc nhau.

 

Lưu Trí Dũng

       Tác giả Lưu Trí Dũng có một bài thơ ngắn mà hay đó là bài “Con tem và em”, Tôi thấy rõ nhất ở khổ thứ hai: Anh đi tìm em theo dấu những con tem / Áp bì thư lên lồng ngực / Ấm ức / Giọt lệ dài lăn qua / và hình em sau nhật ấn hiện lên. Một bài thơ khác hẳn với những vần thơ mang nhiều tính hài hước của anh trước đó!

 

Phạm Hà Duyên

        Chị có bài “Anh ở đâu chiều đông” rất cảm động nhất là khổ cuối: Mây ơi dừng phút thôi / Mang dùm người năm ấy / Nén hương lòng bỏng  cháy / Hãy yên giấc ngàn thu. Những câu thơ đã lắng được trong người đọc.

Phạm Đạo

       Bài “Dòng sông tuổi thơ” là một trong những bài thơ hay nhất, khổ cuối của bài xúc cảm tình yêu da diết với con sông quê đã để lại trong anh bao kỉ niệm khó quên thời thơ ấu. Dù đã đi khắp đó đây, gặp nhiều dòng sông hùng vĩ nhưng với quê hương mình, con sông Cà Lồ nhỏ bé ấy vẫn là số một. Trong bài, còn có nhiều câu như cặp câu  mà không ít thi sĩ đã nói chỉ cần thế tác giả đã có thể đứng trong hàng ngũ thơ chuyên nghiệp rồi. Hai câu đó như sau:

Những con muỗm đồng chín tới vàng ươm

Lửa rơm cháy đến cuối đời vẫn ấm.

 

Trịnh Long Đắc

     Anh Đắc có bài thơ “Chim đưa thư” nhẹ nhàng mà sâu lắng gây nhiều cảm xúc cho người được. Tôi thích nhất khổ thứ hai của bài thơ: Nhớ em… giục lòng anh viết / Thư có hoa ban trắng tinh / Có nước suối reo róc rách / Thư đong đầy ắp ân tình….Trong thư mà có cả hoa, có cả tiếng suối reo thì thật lãng mạn, thật đẹp, chính vì vậy những cánh thư chuyển tới tay người nhận mới đầy ắp ân tình!

Nguyễn Quỳnh Giao

      Thơ viết về hoa quỳnh đã có nhiều nhà thơ với những bài rất hay. Riêng chị Quỳnh Giao lại có những câu thơ đáng đọc trong bài “Quỳnh” đó là hai câu: Chỉ vầng trăng đêm nay / Thầm thì chờ quỳnh nở . Mấy ai đã thức thâu đêm để xem quỳnh nở hay chỉ có vầng trăng mới chung thủy thầm thì tâm sự chờ quỳnh nở  một bông ngát hương tuyệt vời cùng vầng trăng đa cảm mà thôi!

Trần Thu Hiền

         Lời yêu đầu bên sông

         Chảy hoài theo ta mãi...

                          (Đa Độ sông quê)

        Hai câu thơ ấy nói lên tại sao con sông Đa Độ quê chị lại gắn bó với người đến thế. Đó chính là tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa và sự thủy chung của cặp  uyên ương này!

 

Hoàng Hiển

        Khổ đầu bài thơ “Yêu nhau xưa và nay” : Xưa yêu nhau / Viết chữ thả lên trời xanh thẳm / Gửi lời tỏ tình vào gió mây/ “Đọc xong bảy chữ thì thương lắm / Vạn lý tương tư vũ trụ tình” gây cho tôi một ấn tượng khó phai. Đọc khổ thơ này tôi cứ phảng phất đâu đây một giọng thơ của một thầy đồ khí phách ngày xưa chứ không phải một thầy giáo dạy ngoại ngữ trong Học viện Bưu chính viễn thông!

Nguyễn Bá Hoan

      Với viết hai câu kết trong bài “Vai áo mẹ”:

Đường khâu vai áo mẹ

Đã chỉ đường cho tôi

Có tầm khái quát cao. Người mẹ dậy dỗ con cái không những chỉ bằng những lời dăn dậy về điều hay lẽ phải mà với anh còn bằng những hành động cụ thể của bà, Chính đường khâu vai áo Người đã chỉ đường cho anh bước vào đời!

 

Lê Doãn Hợp

       Tác giả Lê Doãn Hợp có cái kết trong bài “Sài Gòn- Đêm toàn thắng” đã ghi  ấn tượng:

Sài Gòn tháng Năm rực rỡ sao cờ

Khắc vào lòng bao nốt nhạc, vần thơ.

Đã khắc họa không khí Sài gòn đêm đầu tiên được giải phóng: Cả thành phố ngập tràn cờ đỏ sao vàng Tổ quốc và cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam cùng khúc nhạc chào mừng chiến thắng vang lên khắp phố phường. Không khí hào hùng ấy đã khắc sâu và còn mãi trong lòng tác giả và người đọc!

 

Phạm Lan Hương

        Với bài “Bip, Bíp ơi!” nói về dịch vụ “Nhắn tin” của ngành Bưu điện rất sinh động, có hồn. Hai câu kết rất nhí nhảnh mà lại tạo được nốt nhấn cho người đọc:

Dẫu nơi nào bước chân ta tới

Vẫn bên mình, văng vẳng

                                  Bíp, bíp ơi!

 

Đinh Văn Hương

Lênh đênh trên một con thuyền,

      Mỏng manh ….như là vỏ trấu

                                       (Thăm Ba Bể)

     Cây bút này đã dùng thủ pháp “Hoán dụ” ví chiếc thuyền như vỏ trấu, làm cho chúng ta càng thấy sự mỏng manh của con thuyến giữa mênh mông trời nước hồ Ba Bể, Bắc Cạn huyền thoại!

 

Nguyễn Văn Kiểm

       Trong bài “Biển và trăng” anh có hai câu thơ như thể trong bức tranh thủy mạc. Ta nhắm mắt đọc hai câu mà đã thấy một biển và trăng cùng lung linh:

        Lăn tăn biển nước hôn bờ cát         Nhẹ lướt trăng vờn nhịp sóng thưa

Biển thì nhẹ nhàng hôn lên bờ cát, còn trăng thì khoan thai vờn sóng êm ái  biết nhường nào!

 

Lê Văn Kỷ

     Anh có một bài thơ thăng hoa, chỉ bốn câu thôi mà đã ấn tượng mạnh cho người đọc. Đó là bài “Kiêu sa Cẩm Vũ”.

Gái Cẩm Vũ sao duyên dáng thế / Em kiêu sa, ánh mắt ân tình

Như hoa sữa tỏa hương thơm mát / Tiếng hát ngọt ngào, níu bước anh…

 

Lê Hoài Lan

       Bài “Mưa” có hai câu kết rất đáng đọc:

Hạt buồn hãy chảy ra sông

Hạt thương, hạt nhớ xin lồng vào thơ

       Chị đã nhân cách hóa những giọt mưa, mưa mà cũng có hạt buồn, hạt thương, hạt nhớ thì thật như người! Mà còn hay ở chỗ những đau buồn thì hãy chảy ra sông đi, còn thương nhớ thì để lắng vào thơ như tâm trạng của tác giả ?

 

Hoàng Thị Phương Lan

        Bờ ngực anh khói súng còn vương

                               (Tình em nỗi nhớ)

     Một câu thơ ấn tượng, đó chính là hình ảnh của cuộc chiến tranh khốc liệt mà không có tiếng bom rơi đạn nổ và thời ấy đã qua rồi, nhưng chúng ta không được quyền quên lãng. Trách nhiệm của thi ca được tác giả thể hiện như thế.

 

Phùng Thanh Lịch

      Anh có bài “Bưu điện-Văn hóa xa” nhẹ nhàng, giàu nhạc điệu như một ca khúc đồng dao. Tôi thích nhất khổ thơ áp kết:

      Bưu điện – văn hóa xã / Đến mọi miền quê ta / Như tình cây và đất / Nâng cánh cò bay xa.

     Đó là một hiện tượng thơ của những vần thơ Bưu điện!

 

Giang Vĩnh Lưu

      Sừng sững hiên ngang bức tượng đồng / Oai linh hướng biển giữa phố Đông/

      Nữ tướng lừng danh thời Trưng Trắc /  Người đã khai sinh đất Hải Phòng.

                                                     (Vịnh tem nữ tướng Lê Chân)

     Một bài vịnh hay, toát lên khí phách của vị nữ tướng vang bóng một thời được tái hiện trong những con tem Bưu điện .

 

Lương Tử Miên

        Lương Tử Miên là một cây thơ “có nghề”, cả 5 bài thơ anh góp mặt trong tập này mỗi bài một vẻ đều sâu sắc và hay. Tôi thích nhất bài “Một lần thôi” đó là bài  chỉ có ba cặp lục bát, anh đã ngắt nhịp khác đi thành một dạng lục bát mới mà gần đây khá nhiều người sử dụng, như thể một sự cách tân trong thơ:

Cho tôi yêu một lần thôi / Bởi vì tôi / Chỉ vì tôi / Một lần.

Mải đi tìm trái tầm xuân / Và núi lở / Và sông dâng / Và rồi…

Phải chi / Lửa đứng, than ngồi / Lửng lơ con cá vàng bơi…/ Đi tìm.

 

Bùi Phương Na

  Thực tình, tôi đã thấp thoáng chị phần nào đấy bởi hai câu thơ: Nụ hôn chưa một lần trao / Mỗi người một ngả tình vào cõi mơ trong bài “Tình anh”. Trời ơi, một tình yêu mà chưa cả dám trao nhau nụ hôn, thế nhưng đã đi vào cõi riêng, ngả riêng của mỗi phận duyên, mới biết lãng mạn là thế nào? Để đến khi đã luống tuổi ta gặp lại nhau với bao luyến tiếc… Chỉ thế thôi cũng đã chút an ủi được với những giữ lại kỉ niệm đẹp ngày nào?

Kiều Ngọc

       Trong bài “ Bài thơ trên máy tính” của chị, một cán bộ kỹ thuật yêu thơ và đã có nhiều tập thơ in riêng đọng lại trong lòng độc giả, tôi thích hai câu kết:

Phím máy vô tri, tay em gọi lệnh

Dòng chữ nào cũng ấm áp về anh...

       Hai câu này không những chị tả rất chính xác về kỹ năng sử dụng máy vi tính mà còn ấm áp tình người. Dòng chữ nào cũng ấm áp về anh thì thật tham lam nhưng rất riêng tính cách? Đọc hai câu thơ, ai còn dám bảo những người làm kĩ thuật là khô khan?

 

Trần Xuân Sảnh

     Anh Trần Xuân Sảnh (Thanh Tùng) có bài thơ đường luật khá chuẩn mực “Vị tướng hiền” ca ngọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả đã đến tận nhà Đại tướng tặng ông và bài thơ này và đã được gia đình Đại tướng gửi đến bảo tàng Quân đội nhân dân lưu giữ .

 

Phạm Thị Sâm

       Bài thơ lục bát “Thăm mộ cụ Hoàng Thị Loan” thân mẫu Bác Hồ là một bài lục bát hay. Trong đó có hai câu thơ đọng ấn tượng mạnh với tôi, đó là:

Đường lên quê Bác xa xa,

Mây vờn Đại Huệ là là khói sương.

      Một bức tranh có mây lãng đãng trên cao, có sương là là mặt đồi, còn Người đã ra đi, cảnh ấy làm sao không khỏi lay động ?

 

Nguyễn Thế Sử

     Tác giả Nguyễn Thế Sử có một bài viết về ngành Bưu điện rất đáng đọc. Đó là  “Vào ca Ba” mà khổ đầu làm ấn tượng mãi trong tôi tính khái quát và thủ pháp ẩn dụ có nghề của tác giả:

Đèn tín hiệu trên máy / Lấp lánh ánh sao trời

Như Ngân Hà đang chảy / Chở tin về muôn nơi.

 

Nguyễn Thị Minh Tâm

        Khổ đầu bài thơ “Bến đợi” của chị đi vào lòng người đọc một cách nhẹ nhàng bởi sự giản dị mà lại sâu lắng:

Sao ta lại là bến / Để phải đợi phải mong

Mỗi lần đò sang sông / Bến lại buồn da diết

       Ở đây nói lên sự gắn bó giữa con đò và bến sông, đằng sau nghĩa chính là tình yêu lứa đôi muôn thuở mà tác giả chuyể tải. Sự hiện hữu bên nhau hàng ngày gắn chặt đôi lứa, họ không thể xa cách nhau dù chỉ là một chuyến đò ngang…

 

Phạm Văn Thiệp

         Khổ thứ 2 trong bài “Dáng xưa” là một khổ thơ hay:

 Nào ngờ cách núi cách sông / Đồi sim vẫn tím mà không thấy người / Đi tìm  suốt cả một đời / Tìm trong ai đó dáng người ngày xưa / Bao giờ biết có bao    giờ / Cho tôi trở lại tuổi thơ trốn tìm.

        Tôi thích  hai câu cuối, nói một sự giả định không thể có cho nên sự tìm về tuổi thơ cũng chỉ là một mong ước mà thôi chứ làm đâu thực hiện được?

 

Phan Thế Triết

       Nhà thơ lão thành Phan Thế Triết có nhiều bài thơ hay, có những bài còn được dịch ra tiếng nước ngoài. Trong tập này “Giai điệu tháng năm” là một trong số đó, ca ngợi Bác Hồ kính yêu rât thành công, nhất là hai câu kết:

Trái tim Người rạng tiếng tăm,

Gia tài duy nhất vầng trăng muôn đời.

      Sự vĩ đại của một lãnh tụ, của một danh nhân thế giới được khái quát bằng thứ tài sản mà chỉ dành cho nhật nguyệt vĩnh hằng: Gia tài duy nhất vầng trăng muôn đời. Viết được những câu thơ như thế phải chăng chỉ có ở những cây bút từng trải một cách nhiều nếm trải? 

 

Võ Chí Trường

      Người làm thơ không chỉ giãi bày những gì về chính mình mà phải hướng ra cộng đồng, phải vững vàng bản lĩnh thì mới vững bút. Với “Vợ lính Trường Sa vượt cạn” của Võ Chí Trường nhờ thế đã có tính thời sự cần thiết, có sức lan tỏa nhanh mà không hô hào suông.Một bài tưởng như khô khan vẫn lóe lên những câu rất thơ Phía đảo sóng ngầm nén trong nhịp tim. Biển lúc ấy sóng ào ạt xô bờ nhưng trong lòng lính đảo những con sóng ngầm thương vợ lại trào dâng. Anh biết trong ngày vượt cạn không có chồng bên cạnh thì người vợ chông chênh biết bao, nhưng vì nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc ta đâu quản? Những con sóng ngầm nhớ, ngầm thương chỉ còn cách lặn vào trong tim trú ngụ …

Bá Vi Tuân

        Tôi cũng lại nhặt tiếp được một câu thơ hay của Bá Vi Tuân: Lòng người như chiếc phao trong bài “Bên thác Bạc Sa Pa”. Trước thác nước ào ào từ trên trời đổ xuống, dưới lòng thác nước xối xả tung bọt trắng thì trái tim người như anh ví là một chiếc phao để chống trả, để cân bằng  là sự chọn lựa có lí. Một bài thơ hay cần có những phát hiện, lí giải hợp lẽ !

 

Trương Nhữ Tuyên

       Tác giả này có tứ thơ rất táo bạo trong bài “Giá mà khều được mảnh trăng”:

       Giá mà khều được mảnh trăng / Thì em gói kĩ quanh năm để dành

       Để giọt sương bớt long lanh / Để mùa thu bớt làm anh chạnh buồn.

Bản thân cái sự giá mà đã là không thực mà chỉ là ước muốn, thế mà còn đem trăng gói kĩ để dành thì lại táo bạo và vô lí hơn nữa. Nhưng trong thơ có thể chấp nhận sự vô lý ấy để đẩy thơ lên cao hơn. Còn hai câu sau, anh đã mượn ý Nguyễn Du để  nói: “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”cũng hợp cảnh, hợp người.

 

Vũ Tuyến

         Nhà thơ lão thành Vũ Tuyến có bài thơ “Bức điện hoa gửi nàng Tô Thị” là một trong số những bài thơ hay viết về ngành Bưu điện. Trong bài thơ có những câu, những đoạn ấn tượng. Riêng tôi thích nhất hai câu ông nói về vai trò của ngành Bưu điện không chỉ quan trọng trong ngày nay mà còn không thể thiếu được trong ngàn đời sau:

           Thông tin là một bài ca

           Cho đời nay với muôn xa xích gần.

 

Đào Vĩnh

Anh có bài viết theo phong cách hiện đại “Mệnh giá”. Một bài thơ mới đọc thì không hiểu hết hàm ý, mà cần phải suy ngẫm nên kén độc giả. Trong nền kinh tế thị trường này tất cả đều được quy thành tiền, đều có một mệnh giá nhất định. Nhưng trong cuộc sống con người đâu có phải cái gì cũng áp đặt giá được, ví như hai câu kết của bài thơ này:

       Anh đúng hẹn lối xưa, giờ cũ

       Thì cần chi mệnh giá ít hay nhiều?

 

Phan Tất Vĩnh

          Tác giả có một bài thơ viết về nỗi gian truân của nhũng người thợ đường dây khá dí dỏm nhưng cũng phác thảo khá chân thực. Các cô gái tinh nghịch đặt cho họ một biệt danh rất ấn tượng là “Khỉ leo dây”. Trong bài thơ “Thợ đường dây” của anh, tôi tâm đắc nhất hai câu cuối:

Chỉ câu em đùa nhau dạo ấy

Theo mãi anh sưởi ấm những tháng ngày…

        Thật thú vị, biết bao các thế hệ thợ dây ngành Bưu điện lại rất thích cái tên ngộ nghĩnh ấy và vì thế đã sưởi ấm lòng các anh suốt tháng ngày!

 

Phạm Hồng Vũ

Cứ ngỡ em, nàng tiên giáng thế

Hồn em trong trắng, sóng mây trôi…

                (Trạm viba trên đỉnh đèo Pha Đin)

       Quá trình đi tìm những hạt bụi vàng tôi lại có được hai câu thơ trên của  Phạm Hồng Vũ. Trong gian lao, vất vả của những người trực trạm vi ba( thường ở trên núi cao rừng thẳm), nhất là các cô gái tác giả vẫn thấy ánh lên những nét đẹp, những nét đẹp nên thơ. Ví em như “ nàng tiên giáng thế” thì chỉ có những người  trong nghề lăn lộn ngày tháng với công việc đặc thù này mới có thể lí giải được ?

 

Đỗ Kim Yến

       Bài thơ của Đỗ Kim Yến viết về ngành Bưu điện “Cánh sóng” được rất nhiều bạn đọc ưa thích bởi sự hài hước, đặc biệt ở hai câu cuối :

Ôi! Kỳ diệu quá! Vệ tinh

Ngàn cánh sóng ẵm nhân tình gửi trao!

Cánh sóng mà “ẵm nhân tình” được thì là cách viết bạo dạn, gây ấn tượng mạnh cho người đọc!

 

Hà Nội, 27/01/2016

Pha Lê

 

                                                           

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin, bài khác:

 

Bài mới

  Tiểu phẩm

  Thơ

  CHIẾU RIỆU THU

  Chùm thơ Võ Chí Trường

  CHÙM THƠ VÕ CHÍ TRƯỜNG

  CLB sinh hoạt đầu xuân

  Chùm thơ tháng 9&10.2018

  Chúc mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3

  Sự thành công trên cả mong đợi

  Chùm thơ T5+6.17

3M
hssv
Web gia đình
 

Designed by Web division, VDC1