Hôm nay, 04/05/2024

Trang chủ   l  Gửi bài   l  Hướng dẫn  

Tìm kiếm

Trang chủ

Giới thiệu

Thành viên CLB

Tác phẩm

Trao đổi

Bếp núc văn chương

Chuyện bên lề

Người truy cập thứ :
492059

 
 

 

Lấp lánh văn hóa Bưu điện

Phía lấp lánh văn hóa bưu điện

Nguyễn Thụy Kha

       

        Văn hóa bưu điện không chỉ tiềm ẩn ở cách ứng xử của người phục vụ với khách hàng, giữa những người phục vụ với nhau, mà còn tiềm ẩn ở những câu thơ, văn, nhạc mà những người đam mê nó đã giữ gìn như gìn giữ ngọn lửa nghĩa tình trong suốt bao nhiêu năm qua. Đầu xuân Bính Thân 2016, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập câu lạc bộ văn thơ Bưu điện, ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã ấn hành tập văn – thơ – nhạc mang tên Nghĩa tình còn mãi rất dày dạn và trang trọng. Đó chính là sự hội tụ phía lấp lánh văn hóa bưu điện.

        Tập sách gồm 4 phần. Phần 1 là phần giới thiệu những bài thơ của thành viên câu lạc bộ. Phần 2 là phần bình những bài thơ của thành viên câu lạc bộ. Phần 3 là phần tản văn viết về những chuyển động tăng tốc trong công cuộc hiện đại hóa ngành bưu điện. Phần 4 là phần phụ chương gồm những ca khúc phổ thơ thành viên câu lạc bộ.

        Chất lượng thơ trong tập “Nghĩa tình còn mãi” này ngang ngửa với các CLB khác . Đọc bài thơ nào cũng thấy có câu hay, ý hay. Nhà thơ Đỗ Quý Bông (đã mất) vừa là Hội viên Hội nhà Văn Việt Nam lại vừa là thành viên câu lạc bộ. Chùm thơ của anh tạo sức nặng cho phần thơ. Bài Ru ngoài vành nôi là bài thơ sâu sắc nói về sự mừng tủi của người lính sống sót sau chiến tranh. Chẳng đếm xỉa gì đến thua thiệt, đãi ngộ, người lính chỉ cần có con là đủ thấy hạnh phúc. Hạnh phúc như lời ru tràn ra ngoài cả vành nôi: “Có con đời bố đủ rồi/ Chân trời rộng mấy đưa nôi cũng vừa …”. Song hành với Đỗ Quý Bông là chủ nhiệm câu lạc bộ Phạm Đạo. Thơ anh chắc chắn vì luôn tựa vào một cái tứ vững vàng. Viết về anh Ba Thân, người chỉ huy cuộc tăng tốc vĩ đại của bưu điện Việt Nam, anh đã chọn cái tứ “Điểm dừng”. Cái giỏi của những người lãnh đạo là biết điểm dừng. Điều ấy, lịch sử đã nói rõ. Nhưng không phải ai cũng có thể chọn được điểm dừng cho mình. Phải có bản lĩnh, phải vượt qua tham sân si thì mới có thể tự tin tìm thấy điểm dừng cho mình. Anh đã mở đầu bài thơ bằng một triết lý: “Khi con người đang ở tầm cao. Biết dừng lại là điều rất khó”. Triết lý tiếp tục được đẩy lên kịch tính: “Bao con người với chiến công lừng lẫy/ Nhưng mấy ai thắng nổi chính mình?”. Và kịch tính được cởi nút nhẹ nhàng khi con người mà anh ngợi ca đã biết làm điều mà cổ nhân vẫn thường làm: “Đích an toàn đã sắp tới nơi/ Anh sẽ về quê hương đồng khởi/ Nơi sinh anh lại đón anh về/ Với xóm thôn, đồng chí, bạn bè”. Chị Trần Thu Hiền, Phó chủ nhiệm Thường trực câu lạc bộ - thì lại đằm thắm trong bài thơ dung dị viết về dòng sông Đa Độ thân thương miền Kiến Thụy – Hải Phòng: “Quê anh và quê em/ Chung một dòng Đa Độ/ Lúa đồng ta gối vụ/ Hạt phù sa tháng ngày”. Anh Bùi Trung Hiếu có giọng thơ rất lính khi viết về trạm vi ba cổng trời:

Có một điều một điều rất thật

Ca trực dài trên đỉnh núi mù sương

Không giống đâu một ca trực bình thường

Bởi chỉ mỗi hai người trên trạm

Đỉnh núi cao bốn bề hoang vắng

Lấp lánh dãy đèn tín hiệu, đêm mưa …

 

 

        Anh Lê Tiến Hoành cũng vốn là lính nên đã động lòng trắc ẩn với vùng đất nghèo Hà Tĩnh mà anh đã từng qua. Câu thơ thật dễ thương:

Hồng Lĩnh ơi! Núi hãy cao hơn nữa

Hứng mặt trời che vợi nắng cho em

Sông La ơi! Rộng, sâu thêm chút nữa

Đón nước đầu nguồn không cho lũ tràn đê …

        Anh Phan Thế Triết lại có một tâm tình về Bác rất độc đáo, rất riêng qua Giai điệu tháng năm:

Riêng tư Bác chẳng có gì

Áo sờn dép lốp nhẵn lì tháng năm

        Chữ “nhẵn lì” là chữ tôn vinh Bác thật đúng mà lại không đao to, búa lớn, không khoa trương.

        Không chỉ làm thơ, các thành viên câu lạc bộ văn thơ Bưu điện còn khá sắc sảo trong những bài bình thơ của chính các thành viên trong câu lạc bộ. Đấy là Quỳnh Giao khi bình bài thơ Nàng thơ của Phạm Đạo. Đấy là Kẻ He khi bình tập thơ Giai điệu tháng năm của Phan Thế Triết. Tôi rất cảm động khi đọc lời bình của Hoàng Lan về bài thơ Làm bạn với Thiết Mộc Lan của Nguyễn Thị Minh Tâm. Người làm thơ, người bình thơ và người được nhắc đến trong thơ, tôi đều được biết từ hồi học Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc. Một tình yêu thật cảm động lại được ẩn giấu sau hình tượng cây Thiết Mộc Lan.

        Ở phần tản văn – Đây là phần độc đáo so với các ấn phẩm thơ văn trước đây của câu lạc bộ. Chỉ với hơn chục bài viết hoặc phỏng vấn các cựu lãnh đạo chuyên môn cũng như công đoàn bưu điện Việt Nam đã khắc họa được một cách sinh động quá trình phát triển của ngành Bưu điện. Chẳng khác nào một tài liệu lịch sử có giá trị để giáo dục truyền thống hào hùng của ngành Bưu điện cho các thế hệ những người làm công tác bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin. Tôi ấn tượng nhất là bài phỏng vấn ông Đỗ Trung Tá – nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông của tác giả Phạm Đạo. Chỉ cần qua ít trang sách, hình ảnh lớn vượt của ngành Bưu chính viễn thông đã hiện ra sừng sững tầm vóc. Đó là 10 chữ vàng: Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo và Nghĩa tình. Đó là hai câu chỉ đạo rút ruột: “Uy tín của ngành là nguồn thu vô tận, công nghệ thông tin là nguồn thu tương lai”. Đó là 3T cho bưu chính; Tốc độ, Tiêu chuẩn và Tin học, là 3T cho viễn thông: Tiên tiến, Tương thích và Toàn cầu, là 4N cho internet: Nhận thức đúng, Nối mạng nhanh, Nội dung hay và Người dùng tin tưởng, là 4T chiến lược: Thông minh hóa mạng lưới, Trí thức hóa nguồn nhân lực, Toàn cầu hóa kinh doanh và Tiêu chuẩn hóa cuộc sống, là 5C trong quản lý: Chiến lược, Cơ chế, Chính sách, Công nghệ và Con người. Đó là chiếc chìa khóa vàng cho ngành bưu chính viễn thông phát triển trong tương lai.

        Nếu bài phỏng vấn ông Đỗ Trung Tá khái quát bao nhiêu, thì bài Nhớ về một giai đoạn của  Bưu điện thành phố mang tên Bác của ông Nguyễn Bá – nguyên giám đốc bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh sau đó là Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam lại cụ thể bấy nhiêu. Thật không ngờ để phát triển bưu điện thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối bao cấp các lãnh đạo bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh đã né tránh cấm vận bằng cách mua Tổng đài điện tử số đầu tiên tại Bangladesh. Rồi những kết nối qua nhà buôn Hàn Quốc, Đài Loan nhà buôn Hồng Kông để có thêm những tổng đài, đường cáp hiện đại trong khi vẫn đang bị cấm vận. Sự khôn khéo ấy, đã giúp cho Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh trở thành đơn vị đầu tầu.

        Ở phần phụ chương có những ca khúc của anh em Bưu điện phổ thơ các thành viên câu lạc bộ, lại có cả những ca khúc cho thành câu lạc bộ sáng tác trong đó có ca khúc Mặt trời mọc ban đêm của Lê Tiến Hoành được VNPT chọn là một trong mười ca khúc tiêu biểu của ngành. Nghĩa tình còn mãi là một ấn phẩm mang nặng dư âm giống như nghĩa tình mà những con người bưu điện gửi trao cho nhau biết bao năm tháng qua.

Các tin, bài khác:

 

Bài mới

  Tiểu phẩm

  Thơ

  CHIẾU RIỆU THU

  Chùm thơ Võ Chí Trường

  CHÙM THƠ VÕ CHÍ TRƯỜNG

  CLB sinh hoạt đầu xuân

  Chùm thơ tháng 9&10.2018

  Chúc mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3

  Sự thành công trên cả mong đợi

  Chùm thơ T5+6.17

3M
hssv
Web gia đình
 

Designed by Web division, VDC1